[ad_1]
Elon Musk từng hứa hẹn “thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững”. Nhưng sau khoản đầu tư của hãng xe điện Tesla, việc tiêu tốn điện và phát thải CO2 của hệ thống Bitcoin tăng 6%.
Trong hồ sơ tiết lộ khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin, hãng xe điện Tesla của Elon Musk nhắc lại sứ mệnh “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới sang năng lượng bền vững”.
“Hai thông tin chẳng hề tương thích khi đặt cạnh nhau”, ông Yuriy Humber, Chủ tịch Tập đoàn Yuri, nhà sáng lập NRG Nhật Bản, nhận xét trên Nikkei Asian Review.
Theo ông Humber, có hàng tá câu hỏi đặt ra khi một tập đoàn được định giá gần 800 tỷ USD bỏ 1,5 tỷ USD để sở hữu tiền mã hóa. Nhưng vấn đề tiêu thụ năng lượng có lẽ là câu hỏi đáng ngại nhất trong thương vụ này.
Tiêu tốn năng lượng
Tesla có kế hoạch mở một nhà máy ở bang Texas, nơi vừa trải qua trận bão tuyết khủng khiếp khiến mạng lưới điện tê liệt. “Lẽ ra công ty xe điện của Musk cần đặt vấn đề giảm tiêu thụ năng lượng lên cao hơn một chút trong danh sách ưu tiên của họ”, ông Humber viết.
Thuật toán của Bitcoin quy định rằng các đồng tiền mới chỉ có thể được tạo ra bằng cách dùng máy tính để giải phương trình toán học. Do đó, cần có một mạng lưới toàn cầu sử dụng rất nhiều năng lượng để duy trì và khai thác đồng tiền mã hóa này.
Tổng mức tiêu thụ năng lượng của mạng lưới này mỗi năm vượt quá nhu cầu điện hàng tháng của cả nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, điện của Nhật Bản cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Trong khi đó, việc đào Bitcoin chỉ có tác dụng tạo nhiều Bitcoin hơn.
“Trên khía cạnh năng lượng, Bitcoin là một loài ký sinh,” ông Yuriy Humber bình luận.
Ông Humber không bàn đến vai trò của Bitcoin như một công cụ tài chính, giao dịch và xã hội. Tuy nhiên, từ góc độ năng lượng, ông mô tả Bitcoin “là một loài ký sinh”.
Để đào nhiều Bitcoin hơn, độ phức tạp của các thuật toán tăng dần, đòi hỏi sức mạnh tính toán ngày càng lớn. Năng lượng cần tiêu thụ cứ thế nhiều thêm. Theo Digicomist, một nền tảng theo dõi tác động của những xu hướng kỹ thuật số, mức tiêu thụ điện của mạng lưới Bitcoin đã tăng 8 lần chỉ trong vỏn vẹn bốn năm qua.
Các máy đào Bitcoin đã trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chúng vẫn tiêu thụ gần 50% lượng điện được sử dụng để cung cấp năng lượng cho những trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới (theo nghiên cứu của nhà sáng lập Digicomist Alex de Vries).
Lượng khí thải carbon của mạng lưới Bitcoin được ước tính là 36,95 triệu tấn CO2 mỗi năm. Để so sánh, con số này tương đương New Zealand, hoặc 10% lượng phát thải hàng năm của toàn bộ ngành điện Nhật Bản, phục vụ cho thị trường điện số 3 thế giới.
“Thiên tài hay kẻ đạo đức giả”?
Nhưng tất cả điều đó có liên quan gì đến Elon Musk và sự ủng hộ của ông đối với Bitcoin? Xét cho cùng, Tesla không tạo ra Bitcoin. Công ty chỉ đơn thuần là một bên mua trong thị trường tiền mã hóa đang phát triển thần tốc.
Trên thực tế, việc khai thác Bitcoin chỉ tạo lợi nhuận khi điện rẻ và giá Bitcoin cao. Theo ước tính của Fundstrat Global Advisors vào ba năm trước, mức hòa vốn là 8.038 USD/đồng Bitcoin. Giá điện thay đổi không nhiều sau ba năm, chúng ta có thể đặt giả định rằng chi phí khai thác Bitcoin được giữ nguyên.
Quyết định của Tesla khiến giá đồng tiền này tăng phi mã. Tác động của nó được thể hiện ở hashrate, tức tỷ lệ đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào. Sức mạnh tính toán của mạng lưới Bitcoin đã tăng từ khoảng 95 triệu terahash/giây vào đầu năm 2020 lên 166 triệu terahash/giây ngày 9/2, theo Blockchain.com.
Tỷ lệ này tăng khoảng 6% chỉ sau thông báo của Tesla. Nói cách khác, do quyết định của Elon Musk, việc tiêu tốn điện và lượng khí thải CO2 của Bitcoin đã tăng khoảng 6%.
“Liệu Tesla có đưa lượng khí thải đó vào báo cáo tác động môi trường tiếp theo không? Quan trọng hơn, khoản đầu tư này phù hợp với mục tiêu thúc đẩy năng lượng bền vững của Tesla như thế nào?”, ông Humber đặt câu hỏi.
Khoảng 2/3 hoạt động khai thác Bitcoin diễn ra ở Trung Quốc – quốc gia thải ra lượng khí CO2 lớn nhất thế giới. Nơi khai thác Bitcoin lớn thứ hai là Mỹ. Nước này cũng phát thải CO2 nhiều thứ hai toàn cầu. Điện là yếu tố thiết yếu cho cuộc sống. Việc chuyển các nguồn tài nguyên đó sang máy tính để giải các thuật toán sẽ tạo áp lực lên xã hội.
Tháng trước, sau nhiều tuần mất điện, chính quyền Iran đã siết chặt quản lý các trung tâm khai thác Bitcoin địa phương. Họ khẳng định những trung tâm này đã trục lợi từ nguồn điện giá rẻ trong nước.
“Có thể Musk đã có một kế hoạch lớn khác cho Bitcoin. Và chúng ta không thể hiểu hết đầu óc của một thiên tài”, ông Humber mỉa mai.
“Nhưng cũng có thể Musk chẳng hề nghĩ về điều đó. Quả thật ông ta chẳng cớ gì phải chịu trách nhiệm cho tác động năng lượng của mạng lưới Bitcoin. Đó là một hệ thống phi tập trung và chẳng ai phải chịu trách nhiệm tiết kiệm năng lượng cả”, ông nói thêm.
Có thể bạn quan tâm:
- Giá Bitcoin ‘bốc hơi’ 20%, chìm sâu xuống tận 45.000 USD
- Cổ phiếu ngân hàng Mỹ tăng gần 1.300% nhờ Bitcoin
Tham gia kênh của chúng tôi để cập nhật tin tức và kiến thức hữu ích nhất tại:
- Telegram: https://t.me/blogsancoin
- Facebook: https://www.facebook.com/blogsancoin
Theo Zing
Biên soạn lại ToiYeuBitcoin
[ad_2]
Kiến thức về đào coin