[ad_1]
IBG – một ứng dụng mua sắm tích điểm và hoàn tiền lên tới 80%, đang nổi lên như một làn sóng đầu tư trên internet, đặc biệt là các mạng xã hội như Facebook, nhiều người quảng cáo IBG là một dự án tiềm năng, cơ hội “x5 tài khoản”. Ứng dụng (app) IBG ra mắt không lâu sau khi “thần đèn” MyAladdinz bị Bộ Công an cảnh báo, chỉ đích danh là ứng dụng đa cấp, có dấu hiệu lừa đảo.
Nhìn qua, chúng ta có thể thấy app IBG có rất nhiều điểm chung với MyAladdinz, đặc biệt là tính năng hoàn tiền 80% và hệ thống trả thưởng theo mô hình đa cấp. Vậy rốt cuộc IBG là gì? Nó có lừa đảo, đa cấp không? Liệu IBG có phải “phiên bản 2” của MyAladdinz? Hãy cùng Tôi Yêu Bitcoin tìm hiểu dưới bài viết này.
IBG là gì?
Theo giới thiệu trên website chính thức ibg.zone, IBG (viết tắt của: Intelligent Bussiness in Global) là một ứng dụng mua sắm trực tuyến thông minh. Một số người quảng bá (leader) của IBG thì giới thiệu đây là một ứng dụng kết nối tất cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trên thế giới với nhau. App IGB cung cấp dịch vụ tích điểm cho khách hàng (Loyalty Point) bằng việc hoàn lại (cashback) 80% giá trị đơn hàng.
Ai đứng sau ứng dụng IBG?
Cũng theo trang web ibg.zone, app IBG là sản phẩm của công ty IBG USA LLC (Mỹ), có trụ sở tại 2825 Wilcrest Drive, Suite 559, Houston, Texas 77042. CEO của IBG là ông Alexey Stepanenko, trong khi đối tác chiến lược tại Việt Nam của IBG là Ông Nguyễn Thanh Bình. IBG có 3 đối tác chiến lược tại Việt Nam là IBG Việt Nam, IBG Global Funds và Tập đoàn OnesGroup. Ngoài ra còn có một số thành viên trong team là người Việt.
Cách thức hoạt động của app IBG
Về cơ bản thì app IBG có cách thức hoạt động không khác MyAladdinz là mấy, bạn hiểu đơn giản nó giống như một trang thương mại điện tử kết nối người mua và người bán, có vẻ giống như Lazada hay Shopee, nhưng điểm đặc biệt của IBG là khi bạn mua hàng sẽ được hoàn trả tới 80% giá trị sản phẩm, nhưng cái hoàn lại này không phải là tiền mặt, mà là điểm (Point) nội bộ của ứng dụng. Hơn nữa, mỗi ngày bạn chỉ nhận về 0,2% IBG, 1 IBG có giá trị bằng 1 USD, và IBG cũng là một đồng tiền được sử dụng, giao dịch nội bộ trong hệ sinh thái của IBG.
Ngoài ra, cũng tương tự như MyAladdinz, IBG cũng có một hình thức gọi là “đầu tư”, tức là bạn nạp tiền thật vào app để mua đồng IBG, sau đó chuyển đổi số IBG này thành Points – khi chuyển từ IBG sang Points sẽ được nhân 6 lần trong 1 năm đầu (5x5x4x3x2x1x), rồi mỗi ngày nhận về 0,2% IBG. Lúc này, nếu bạn muốn đổi sang tiền mặt thì lại phải bán IBG ra VND thông qua sàn giao dịch nội bộ của IBG hoặc chợ đen.
App IBG có phải lừa đảo, đa cấp không?
Nếu các bạn đã nghe và tìm hiểu về MyAladdinz thì hoàn toàn có thể trả lời được câu hỏi này, mình cũng khuyến nghị các bạn nên tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định tham gia mua sắm hoặc đặc biệt là đầu tư vào IBG, hay bất kỳ dự án nào tương tự. Toiyeubitcoin sẽ không đưa ra quan điểm cá nhân ở đây, nhưng chúng tôi xin phép trích dẫn một số rủi ro về IBG gần đây được báo chí chính thống tại Việt Nam chỉ ra.
1. IBG chưa được cấp phép hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Theo Báo Công an TP.HCM, ứng dụng IBG được vận hành bởi Công ty TNHH IBG Việt Nam (IBG Việt Nam). Doanh nghiệp này chỉ mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép thành lập từ ngày 7-5-2020 có trụ sở đăng ký đặt tại tòa nhà số 708-720 đường Điện Biên Phủ (P.22, Q. Bình Thạnh). Tuy nhiên, trên các trang web lại giới thiệu trụ sở chính của công ty này đặt tại 602 đường Phạm Văn Đồng (P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức).
Theo mã số thuế mà doanh nghiệp được cấp, công ty IBG Việt Nam đăng ký hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề như đại lý, môi giới, đấu giá (trừ môi giới bất động sản); Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống (không hoạt động tại trụ sở); Bán buôn vải, hàng may sẵn, giày dép; Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh….
Dù hoạt động kiểu như thương mại điện tử nhưng công ty này hoàn toàn không đăng ký với cơ quan chức năng. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng khẳng định: “Căn cứ pháp lý theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, qua rà soát, app IBG chưa có thông báo cũng như đăng ký với Bộ Công Thương. Đối với Sở Công Thương TP.HCM, chúng tôi cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về ứng dụng này“.
2. Báo công an cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào app IBG
Cũng chính Báo Công an TP.HCM mới đây đã có bài viết cảnh báo rủi ro khi tham gia đầu tư vào ứng dụng IBG, bài viết có đoạn:
Ứng dụng có tên IBG có cách thức hoạt động gần giống “app MyAladinz” vừa bị Bộ Công an cảnh báo, đang hoạt động chiêu dụ người dùng tham gia để huy động vốn và trả thưởng theo mô hình đa cấp trên mạng internet.
Đáng chú ý, dù chỉ mới hoạt động được hơn 1 tháng nay nhưng đã có nhiều người nghe quảng cáo, tư vấn đã bỏ số tiền lớn đầu tư vào ứng dụng này với mong ước nhanh chóng… làm giàu!
Trong vai một nhà đầu tư tìm hiểu về ứng dụng này, chúng tôi được một nhân viên tên T. tận tình giới thiệu cho biết đây là ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 cung cấp dịch vụ tích điểm cho khách hàng (Loyalty point) bằng việc hoàn lại (cashback) 80% giá trị đơn hàng.
Theo đó, những ai muốn tham gia và tạo tài khoản trên ứng dụng thì bắt buộc phải có người giới thiệu. Sau khi tạo tài khoản và xác thực tài khoản thì người tham gia sẽ dùng tiền thật để mua tiền ảo “USDT” theo tỷ giá 23.500 đồng = 1 USDT = 1 IBG. Sau đó, khách hàng sử dụng app IBG mua hàng để được “hoàn lại” 80% giá trị sản phẩm sau khi mua theo đơn vị điểm IBG.
Với kiểu “hoàn lại” này, nhiều người sẽ dễ lầm tưởng khách hàng chỉ phải bỏ ra 20% đã nhận được món đồ mình cần mua nhưng thực tế không phải. Cũng tương tự như app MyAladinz vừa bị Bộ Công an cảnh báo, ứng dụng IBG hoàn lại 80% giá trị sản phẩm qua “điểm thưởng” IBG. Mỗi ngày, khách hàng chỉ có thể đổi 0,2% điểm thưởng trên thành “tiền ảo” USDT để có thể sử dụng.
Thấy chúng tôi vẫn hoang mang chưa hiểu ra vấn đề, T. lấy ví dụ như khách hàng đi Grab hay mua hàng ở siêu thị có hình thức tích điểm cho người dùng. Số điểm này được hoàn lại dựa trên % giá trị đơn hàng và người dùng có thể dùng điểm này đổi thành các sản phẩm, dịch vụ khác.
Khi chúng tôi thắc mắc có thể dùng IBG để mua hàng ở bất cứ đâu thì T lảng tránh không trả lời thẳng vào câu hỏi. Thay vào đó, người này cho biết dự kiến từ nay đến tháng 2-2021, IBG Việt Nam sẽ kết nối hơn… 50.000 doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái IBG tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, khách hàng khi sử dụng app IBG sẽ dễ dàng “quét” được hệ sinh thái và thực hiện các giao dịch?
Để tiếp thêm niềm tin cho chúng tôi, T. cho biết đây là xu hướng tiêu dùng thông minh và là xu thế phát triển tất yếu. Công ty IBG có trụ sở tại bang Texas (Mỹ) và có 3 đối tác chiến lược tại Việt Nam là IBG Việt Nam, IBG Global Funds và OnesGroup nên làm ăn rất uy tín.
Đáng chú ý, T. cho biết ứng dụng IBG còn là một kênh đầu tư sinh lời “siêu khủng”, giúp nhà đầu tư nhanh chóng thỏa chí ước mơ “làm giàu” thông qua các gói đầu tư “X5 giá trị tài sản”. Theo đó, thay vì mua một món hàng trị giá 1000 IBG (tương đương 23,5 triệu đồng) thì lấy IBG để tăng gấp 5 lần giá trị thành 5.000 IBG.
IBG đưa ra nhiều gói đầu tư từ Silver (bạc), Gold (vàng), Platinum (bạch kim) đến Diamond (kim cương) với số tiền đầu tư thấp nhất từ 500 IBG (tương đương hơn 11,7 triệu đồng) lên đến 250.000 IBG (tương đương gần 5,9 tỷ đồng) để nhà đầu tư lựa chọn. “Với cách đầu tư này, mỗi ngày anh được trả thưởng 0,2% trong 180 ngày đầu và từ ngày 181 trả 0.1%. Sau 4 tháng là anh có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu và còn tiếp tục thu lời từ 4.000 IBG nữa”, T. dẫn dụ tôi tham gia.
Đặc biệt, với các nhà đầu tư “phát triển cộng đồng” tức lôi kéo được người khác tham gia, thì IBG sẽ trả cho người giới thiệu (gọi là F1) 80% số điểm người sau đóng tham gia hệ thống. Đồng thời còn được trích thưởng hoa hồng theo tỷ lệ % theo 18 cấp bậc.
Đáng chú ý, hoạt động của ứng dụng IBG gần như kiểu huy động vốn và trả thưởng giống như mô hình đa cấp, của app MyAladinz vừa được Bộ Công an lên tiếng cảnh báo. Theo Bộ Công an, hiện tại Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (chưa được cấp phép) để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Những hệ thống kiểu này chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước (Ponzi) và sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới. Nhà đầu tư cũng chỉ được trả lãi bằng “tiền ảo” và “điểm ảo”; nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán “tiền ảo” và “điểm ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, không bán, thanh khoản được ra ngoài hệ thống.
Ông Lê Thanh Sơn – Phó Trưởng phòng điều tra xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo những ứng dụng thương mại điện tử quảng cáo “giá trị hoàn tiền 80%” hay “giá trị tích lũy 80%” đều hướng người tham gia hiểu nhầm chỉ cần phải bỏ 20% số tiền là có thể sở hữu sản phẩm, dịch vụ.
Nhưng thực tế việc hoàn tiền với giá trị % cao như vậy chỉ ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì theo tỷ lệ % rất nhỏ, không có ý nghĩa hoàn tiền như quảng cáo. Đây là thủ đoạn tinh vi đưa thông tin sai lệch nhằm thu hút, dụ dỗ người đăng ký sử dụng. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng vào cuộc và lên tiếng cảnh báo để người dân cảnh giác.
3. “Luật sư phân tích thủ đoạn lừa đảo tinh vi của ứng dụng hoàn điểm 80% IBG”
Đây là tiêu đề bài viết về IBG của Báo VTC News, bài viết có đoạn:
Liên quan đến việc ứng dụng thương mại điện tử IBG (app IBG) hoàn trả 80% giá trị sản phẩm, ngày 24/9, trả lời VTC News, luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của ứng dụng này.
Theo luật sư Trần Minh Cường, tương tự như app MyAladdinz vừa bị Bộ Công an ra cảnh báo lừa đảo, app IBG lợi dụng các hoạt động thương mại điện tử (chưa được cấp phép) để huy động vốn và tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Hệ thống IBG chủ yếu lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi và hoa hồng cho người tham gia trước theo mô hình đa cấp kinh điển Ponzy. Thông qua “chiêu bài” tích điểm vào hệ thống, song việc quy ngược lại từ các “điểm” này thành tiền mặt thì rất khó.
Hệ thống sẽ sụp đổ khi số tiền người tham gia sau không đủ trả lãi hoặc không có người tham gia mới. Tuy nhiên, lúc này những “con át chủ bài” đã thu đủ tiền và sẽ nhanh chóng… “tàng hình”.
“Điểm thì được thưởng rất nhiều, rất khủng. Nhưng người tiêu dùng chỉ được sử dụng 0.2 % số điểm để quy ra IBG. Từ IBG cũng phải rất nhiều bước mới có cơ may đổi được ra tiền. Theo đó, người tiêu dùng muốn đổi ra tiền chỉ có thể bán cho nhà đầu tư khác trong hệ thống, và hầu như không thể thanh khoản được ra ngoài hệ thống.
Như vậy, người tham gia sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động vốn theo mô hình đa cấp trái phép của ứng dụng này“, luật sư Trần Minh Cường nói.
Cũng theo luật sư Trần Minh Cường, Điều 217a Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về tội Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, có thể bị xử lý hình sự với mức phạt từ 5 tỷ đồng đến 5 năm tù giam.
Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Phạm tội có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Do đó, để tránh bị thiệt hại, mọi người cần cẩn trọng trước những lời mời chào đầu tư, mua bán dễ sinh lời như app IBG.
Lời kết
Vì cơ bản IBG là tương tự như MyAladdinz, chúng tôi đã có bài viết phân tích rất chi tiết tại đây, nên bài viết này chúng tôi sẽ không phân tích sâu hơn nữa, bạn đọc có thể dựa vào nó để có cho mình những đánh giá chính xác nhất về app IBG, chúng tôi chỉ trích dẫn một số cảnh báo từ những tờ báo chính thống của Việt Nam, từ đó, bạn tự đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân, tự trả lời câu hỏi “Liệu app IBG có lừa đảo, đa cấp, nó có giống với MyAladdinz hay không”, chúng tôi chỉ muốn nhắc bạn rằng “hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi bỏ tiền vào bất kỳ dự án nào”, nếu chỉ nghe những lời mời, quảng cáo từ người khác mà đầu tư, trong khi chả hiểu gì về nó thì không nên một chút nào. Hãy nhớ “miếng pho mát miễn phí chỉ có ở trong chiếc bẫy chuột”.
Cuối cùng, trên đây là bài viết “IBG là gì? Có lừa đảo, đa cấp không? Liệu app IBG có giống MyAladdinz?”, nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, hãy để lại cho Tôi Yêu Bitcoin một Like, share và đánh giá 5 sao bên dưới, cùng ý kiến của riêng bạn về IBG để thảo luận nhé. Chúc bạn thành công.
Bài viết có tham khảo nội dung từ hai báo:
- http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/ung-dung-ibg-hoat-dong-khong-phep-tiem-an-nhieu-rui-ro_100174.html
- https://vtc.vn/luat-su-phan-tich-thu-doan-lua-dao-tinh-vi-cua-ung-dung-hoan-diem-80-ibg-ar571147.html
Tham gia kênh của chúng tôi để cập nhật tin tức và kiến thức hữu ích nhất tại:
- Telegram: https://t.me/blogsancoin
- Facebook: https://www.facebook.com/blogsancoin
[ad_2]
Kiến thức về đào coin